TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP GIÚP SINH VIÊN NGÀNH ĐIỆN NÂNG CAO NĂNG LỰC TỰ HỌC, TỰ NGHIÊN CỨU, KHAI THÁC CÁC TRANG THIẾT BỊ HIỆN ĐẠI

Thứ năm - 30/08/2018 06:00
Trong quá trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thời lượng giảng viên dạy mỗi tín chỉ trên lớp là rất ngắn, trong khi đó nội dung kiến thức cần truyền đạt lại khá nhiều.
Cho nên việc sinh viên chuẩn bị trước bài ở nhà là rất cần thiết. Để sinh viên tự học, tự nghiên cứu được và đạt hiệu quả cao thì việc giảng viên hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường và làm cho sinh viên có khả năng tự học, tự nghiên cứu từ đó phát triển kỹ năng cho sinh viên, qua đó các em có thể tự khai thác thiết bị tại trung tâm thực hành, thực nghiệm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.
 
123a
Hình 1. Lớp DK5-D9 đang lắp đặt tủ điện tại trung tâm thực hành
 
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng sinh viên chỉ tiến hành tự học đến cùng và có kết quả tốt khi họ ý thức đầy đủ và tự trả lời một cách đúng đắn nhất các câu hỏi:
- Ai học (Who);
- Học cái gì (What);
- Học để làm gì (Why);
- Học như thế nào (How);
- Học lúc nào (When);
- Học ở đâu (Where).
 
Một số giải pháp giúp sinh viên nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu:
 
1. Nâng cao năng lực tự học
Để nâng cao năng lực tự học trước hết, sinh viên cần tin tưởng vào khả năng tự học của mình; đồng thời phải phát huy tối đa nội lực và tận dụng triệt để các yếu tố khách quan, nhất là sự hướng dẫn của giảng viên. Ví dụ: cần xác định được mục đích, động cơ, nhu cầu học tập; xây dựng thời gian biểu hợp lý giữa các học phần, địa điểm, thời gian, hình thức tự học... Có thể có sự điều chỉnh thời khóa biểu trong quá trình tự học nhưng phải có ý chí hoàn thành thời gian biểu đã đặt ra.
2. Có phương pháp học tập khoa học trên lớp
Cách lắng nghe giảng viên, cách ghi chép, tập trung và phối hợp chặt chẽ các giác quan vào quá trình thu nhận thông tin từ thầy cô, bạn học, đặt ra những câu hỏi nảy sinh trong quá trình nghe thầy cô giảng …
3. Có phương pháp tự học một cách khoa học và hợp lý:
Biết cách đọc tài liệu để phát hiện bản chất của vấn đề, biết cách tóm tắt và ghi chép. Ví dụ: ghi lại kiến thức bằng sơ đồ tư duy logic để thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức; giữa kiến thức mới tìm được và kiến thức đã biết; biết cách tổng kết như cho ví dụ minh họa và phản ví dụ giúp ghi nhớ và tái hiện; Biết cách tự thắc mắc và đặt câu hỏi thắc mắc với bạn bè, thầy cô và những người am hiểu; Biết vận dụng kiến thức tự học vào trả lời câu hỏi, giải bài tập chuyên môn vào thực tiễn cuộc sống
4. Tạo nhóm tự học.
Tạo nhóm tự học là điều kiện cho các thành viên trong nhóm thảo luận, trao đổi, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm tự học cùng nhau; Nên trao đổi thường xuyên tài liệu tham khảo, sách, báo, băng hình,...; biết tiếp cận và tận dụng các công nghệ mới để học tập; tránh bệnh tự ti, ỷ lại, tâm lý dễ thỏa mãn.
5. Khai thác các trang thiết bị hiện đại tại trung tâm thực hành, thực nghiệm điện
          Để việc tự học có được kết quả tốt và vận dụng được các phần kiến thức lý thuyết đã học và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Sinh viên cần đến trung tâm thực hành, thực nghiệm khai thác các trang thiết bị hiện đại dưới sự hướng dẫn của các giảng viên. Trung tâm được đầu tư rất nhiều bàn thí nghiệm hiện đại, hiện các doanh nghiệp sản xuất đang sử dụng. Nhờ vào đó sau này các em ra trường sẽ đáp ứng được ngay yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. 
          Các bước tự nghiên cứu khi khai thác thiết bị tại trung tâm:
  • Sinh viên đăng ký nội dung cần khai thác và giảng viên hướng dẫn
  • Giảng viên giao nhiệm vụ cho sinh viên nghiên cứu theo đăng ký
  • Sinh viên thực hiện tự nghiên cứu
  • Trao đổi với giảng viên để giải quyết các thắc mắc trong quá trình nghiên cứu
  • Hệ thống lại toàn bộ kết quả đã khai thác được
  • Báo cáo kết quả tự nghiên cứu với giảng viên hướng dẫn
  
1234s


Hình 2. SV trong giờ khai thác thiết bị tại trung tâm thực hành, thực nghiệm Điện
 
6. Các bước tự học cần thực hiện
          Khi thực hiện tự học học phần nào đó sinh viên cần:
          - Nghiên cứu kĩ đề cương chi tiết học phần; xác định mục tiêu của nội dung tự học; tìm tài liệu tham khảo; xây dựng thời gian biểu tự nghiên cứu;
          - Tiến hành tự nghiên cứu: tra cứu tài liệu, đọc hiểu tài liệu, ghi chép, tổng hợp nội dung tra cứu được, ghi nhớ có ý nghĩa, liên kết các kiến thức bằng sơ đồ, xác định được mối quan hệ giữa các kiến thức trong cùng học phần, giữa các học phần; khi tự nghiên cứu sinh viên phải rèn luyện các hoạt động cơ bản của trí óc là: chú ý, ghi nhớ, tìm hiểu, suy nghĩ và tưởng tượng sáng tạo;
          - Phân tích đánh giá thông tin thu nhận được, cách sử dụng thông tin để hoàn thành sản phẩm của mình;
          - Trình bày sản phẩm ban đầu của mình thông qua hợp tác, trao đổi với bạn, với thầy;
          - Tự kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của bản thân; tự sửa sai, điều chỉnh kiến thức.
Có thể nói rằng không ai đi học mà không có phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho riêng mình. Vấn đề là phương pháp tự học của mỗi sinh viên đã phù hợp chưa. Để bắt kịp với nền công nghệ hiện đại 4.0 thì việc tự học, tự nghiên cứu và khai thác thiết bị hiện đại lại càng rất cần thiết. Việc rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng đối với người học. Không những khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn cả khi ra ngoài xã hội. Nó tạo cho người học có khả năng tự học suốt đời, khả năng tự lực giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách chủ động. Tuy nhiên để rèn luyện được khả năng tự học tự, nghiên cứu thì đòi hỏi sự nỗ lực, tự lực, độc lập, sáng tạo của mỗi người học là yếu tố then chốt.
 

Tác giả bài viết: Phương Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây